Mô hình trồng tiêu trên đất phèn

Mô hình trồng tiêu trên đất phèn

Ngày đăng: 11/12/2023 11:22 PM

Đến vùng đất phèn H.Long Mỹ (Hậu Giang) gần đây thường nghe bà con nông dân bàn tính chuyện làm ăn theo mô hình cây tiêu trồng ôm cây tràm, bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc sử dụng thân của cây tràm sống làm trụ để dây tiêu leo bám, ngoài việc giúp bà con cải tạo vườn tạp, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, còn góp phần phát triển diện tích rừng tràm ở địa phương. Lời gấp 40 lần cây lúa Theo người dân địa phương, ông Dương Thanh Bình (ngụ ấp 1, xã Vĩnh Viễn, H.Long Mỹ) là người đầu tiên đưa cây tiêu bén rễ ở vùng đất phèn này. Ông Bình kể trước đây vùng này đất bị nhiễm phèn rất nặng, chỉ trồng được cây tràm, mía, khóm, còn lúa thì làm được một vụ vào mùa mưa nhưng hiệu quả thấp. Ông từng trồng sầu riêng, nhãn, vú sữa, cam nhưng không hiệu quả… phải đốn bỏ. Trong một lần tình cờ đi Ba Hồ (Kiên Giang), thấy nông dân trồng tiêu quanh gốc tràm khá hiệu quả nên ông học hỏi để về cải tạo đất làm theo. Năm 2010, tận dụng số cây tràm hơn 1 năm tuổi sẵn có và một nọc tiêu của gia đình trồng để ăn, ông Bình chiết ra trồng thử nghiệm 80 nọc tiêu. Do chưa có kinh nghiệm nên chỉ khoảng 50% số nọc tiêu phát triển tốt. Nhưng cũng từ số nọc tiêu này, ông rút kinh nghiệm, lấy giống nhân rộng từ từ lên 1.000 nọc tiêu. Hiện số nọc tiêu của ông được 2 - 3 năm tuổi, bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2015, ông thu được 800 kg tiêu khô (1 kg tiêu khô bằng 3 kg tiêu tươi), bán với giá 220.000 đồng/kg. Theo ông Bình, một nọc tiêu 5 - 6 năm tuổi có thể thu 3 - 4 kg tiêu khô, nếu trúng mùa thì đạt 5 - 6 kg tiêu khô. Mỗi nọc tiêu có thể thu hoạch trên 15 năm, sau đó còn có thêm nguồn thu từ cây tràm. Nói về kỹ thuật, ông Bình cho biết trước tiên lên liếp rồi chọn cây tràm hơn 1 năm tuổi đào đất sâu 0,5 - 0,7 m tiếp giáp mặt nước để trồng cây tràm, sau đó dùng vôi bột rải lên gốc tràm để hạ độ phèn trước khi đặt dây tiêu, với mật độ từ 1,5 - 2 m/nọc tiêu và chỉ sử dụng phân chuồng. Với kỹ thuật này, tràm và tiêu không cạnh tranh dinh dưỡng với nhau, đảm bảo sinh trưởng ổn định. Sau khi trồng chỉ cần bón nhiều phân chuồng và phân hữu cơ. Liều lượng bón sẽ tăng theo sự phát triển của cây nhằm tạo độ tơi xốp, có nhiều dinh dưỡng cho tiêu phát triển. “Nếu dây tiêu phát triển tốt, đúng sức từ 7 năm tuổi trở lên thì hiệu quả 1 công tiêu bằng 40 công lúa!”, ông Bình so sánh và cho biết chi phí cho 1 nọc tiêu trên đất phèn từ khi trồng đến thu hoạch (3 năm), bao gồm bầu tiêu giống (6.000 đồng), cây tràm (20.000 đồng), tiền công lên liếp, phân bón... khoảng 100.000 đồng. Sau 3 năm, một nọc tiêu cho thu hoạch khoảng 1 - 2 kg tiêu khô là đủ lấy lại vốn. Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN-PTNT H.Long Mỹ, cho biết: “Mô hình trồng tiêu trên đất phèn tuy đã đạt được hiệu quả khá cao so với trồng lúa và cây ăn trái, nhưng hiện nay chủ yếu bà con làm tự phát, tự rút ra kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Do đó, rất cần các nhà khoa học, cơ quan quản lý chuyên ngành có những nghiên cứu để đưa ra những chỉ số đánh giá bằng thực nghiệm về hiệu quả kinh tế và sinh học, cũng như chỉ số độ pH của nước, độ nén của đất, mật độ tràm - tiêu trên một diện tích, độ sâu khi trồng cây tràm, nên sử dụng giống tràm nào, liếp cao bao nhiêu... nhằm có những khuyến cáo thích hợp cho người dân”. Còn theo TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ, mô hình cây tiêu ôm gốc tràm bước đầu cho thấy đây là cách giúp sử dụng đất hợp lý. Nước mưa khi chảy dọc thân cây tràm xuống tới gốc có độ pH thấp giúp cây tiêu ít bị bệnh thối thân, thối rễ. Cây tiêu dưới cây tràm có bóng râm nên ít vộp lá non, nước mưa qua thân cây tràm có nhiều dinh dưỡng giúp cây tiêu hấp thu, khi tràm có bông thì dẫn dụ thiên địch đến giúp hạn chế sâu bệnh. Tuy nhiên, do bà con trồng trên vùng đất phèn nên buộc phải lên liếp cao, dễ dẫn đến thiếu dinh dưỡng cho cây tiêu. Vì vậy, phải bón thêm vi lượng qua lá; đồng thời phải chủ động phương tiện, hệ thống thủy lợi để tưới tiêu.